TIN TỨC

Cập nhật tin tức mỗi ngày

Sơn “cà ghép”

Giống cà phê TS 1, 2, 4 nổi tiếng và phổ biến khắp khu vực Tây nguyên và một số tỉnh Đông Nam bộ lại là sản phẩm mày mò của một cậu học trò rớt đại học.

caphe truong sonCông việc ghép cà phê được Phạm Quang Sơn tiến hành thử nghiệm liên tục để đạt mục tiêu 6 năm ra đời một giống mới chất lượng hơn, phù hợp với khí hậu đang biến đổi – Ảnh: Mai Vinh

Các giống cà phê TS có năng suất trung bình 6 tấn/ha. Vào thời điểm giống này ra đời thì năng suất trung bình cà phê của Tây nguyên chỉ đạt 2,5 tấn/ha. Khác biệt này là thành quả 12 năm lao động bằng cả khát khao thay đổi cuộc đời của Phạm Quang Sơn. Cái tên Sơn “cà ghép” cũng ra đời cùng lúc với giống cà phê đó.

Năm 1992, Sơn rớt đại học. Sợ con lêu lổng rồi hư hỏng, ba mẹ giao cho cậu 1,7ha cà phê ở xã Đamb’ri (Bảo Lộc, Lâm Đồng) và Sơn trở thành nông dân. Khu rẫy ngày đó cỏ mọc ngập những cây cà phê cằn cỗi, Sơn tần ngần không biết bắt đầu từ đâu, chỉ biết chắc là mình không thể làm giàu với rẫy cà phê năng suất chỉ ở mức 1,5 tấn/ha.

Tuyển “hoa hậu” cà phê

Làm nông không có nghĩa là giã từ sách vở. Ngay trong chòi giữ cà phê, hằng ngày Sơn vẫn đọc sách học cách làm nông. Những cuốn sách không liên quan đến cà phê nhưng đã giúp anh nảy lên vài ý tưởng cho mảnh vườn héo hắt của mình. Trong một cuốn sách, anh đọc được một câu chuyện ở Thái Lan: hai cây chôm chôm mọc cạnh nhau, một cây ra trái rất sai nhưng không đều hằng năm, cây bên cạnh thì ít trái nhưng mùa nào cũng có trái, bất kể có năm hạn hán.

Hai nhánh con của hai cây này trổ giao nhau, nơi giao nhau của hai nhánh cây lớp vỏ bị trầy trụa bởi gió lay và rồi hai nhánh cây đó dính lại, nảy một mầm cây mới ngay chỗ bị dính. Chủ vườn tò mò mang trồng thì phát hiện cây chôm chôm mới mang những ưu điểm của cả hai cây chôm chôm đầu. “Phải cải tạo cà phê trong rẫy bằng phương pháp ghép” – một tia sáng lóe lên trong đầu Sơn.

Nhưng làm sao để ghép được cà phê? Sơn cho biết: “Thời đó tại Lâm Đồng chưa ai ghép cà phê nên cực lắm, phải mày mò học cách ghép từ cuốn sách dạy ghép cây kiểng và cây ăn trái”. Chàng nông dân trẻ này đi khắp vườn chọn ra 10 cây cà phê èo uột nhất và chặt bỏ tất cả nhánh để ghép với chồi của những cây sai trái nhất.

Sơn kể lại: “Trong đầu chỉ dám nghĩ việc mình đang làm là một trò chơi, như trẻ con chơi… đồ hàng, mong cho cây sống là mừng lắm rồi”. Cây sống và ba năm sau ra trái. Từ những cây cà phê không hề đơm hoa, kết trái nay đã lột xác với lượng trái gấp đôi những cây trong vườn.

Sau bốn năm vừa làm nông vừa luyện thi, đến năm 1996 thì nông dân Sơn đỗ chuyên ngành ngữ văn Anh (Đại học Đà Lạt). Trước ngày nhập học, Sơn quyết định đốn hạ toàn bộ rẫy cà phê của mình, chỉ để lại 500m2, vừa để làm cây đối chứng vừa kiếm tiền đi học và trang trải cho việc mà Sơn gọi là “tổ chức cuộc thi hoa hậu cà phê”. Ở đâu có cây cà phê đảm bảo năm tiêu chí như sai quả, kháng bệnh, chịu hạn, quả đẹp, chất lượng tốt là Sơn mò đến để xin chồi về ghép.

Những người bạn đại học ngày đó hay gọi đùa Sơn là Sơn “hâm” vì Sơn có câu nói đòi quà bạn bè tứ phương trên giảng đường không mấy khi thay đổi: “Mày về quê có cây cà phê nào thấy hay thì xin chồi cho tao”. Cuộc thi “hoa hậu” cà phê diễn ra liên tục từ năm 1996 đến năm 2004 mới kết thúc. Sơn không đếm xuể số “thí sinh” cà phê đến từ nhiều vùng trên đất nước đã ứng thí và đã bị loại trên mảnh đất hơn 1ha của mình. Ngày đó, cuối tuần bạn bè muốn rủ Sơn đi đâu thì đều nghe câu trả lời quen thuộc: “Tui đang bận trong rẫy”.

Tại giảng đường đại học, Sơn có điều kiện tiếp cận những phương pháp tuyển giống mới và khoa học nên cuộc chiến để đạt ngôi “hoa hậu” của các “thí sinh” càng về sau càng gay gắt vì chất lượng chồi ghép được nâng lên rõ rệt. Ba giống cà phê được Sơn gọi tên TS 1, 2, 4 đã chiến thắng vì chúng đảm bảo các tiêu chí mà anh đã đưa ra, đặc biệt chúng có thêm một ưu điểm thú vị là chín đồng loạt, rất tiện cho thu hoạch.

Đến thời điểm Sở Khoa học – công nghệ tỉnh Lâm Đồng công nhận các giống cà phê ghép của Sơn là các giống cây đầu dòng thì các cuốn sổ ghi chép sơ đồ lai ghép đã lên con số 500 trang. Cuốn sổ ấy giờ vẫn tăng lên hằng tuần vì công việc ghép cải tạo giống vẫn tiếp tục mỗi ngày trong rẫy cà phê của Sơn.

ghep ca phe truong son
Mỗi năm vườn ghép của Phạm Quang Sơn cung cấp cho thị trường khoảng 1 triệu cây giống – Ảnh: Mai Vinh
“Lỗi không bao giờ do nông dân”

Liên tục nhiều năm liền, giống cà phê TS 1, 2, 4 của trại giống Trường Sơn bán được hơn 1 triệu cây/năm. Anh có một nguyên tắc bán hàng sòng phẳng: “Nông dân có thể lấy giống mới hoặc lấy lại tiền nếu giống chết. Lỗi không bao giờ do nông dân”. Sơn sẽ đến tận nơi xem tại sao cây giống trồng bị chết, dù kết quả của lần kiểm tra đó như thế nào thì nguyên tắc bán hàng cũng không thay đổi.

Sơn bảo: “Chủ yếu là để biết chất lượng giống của mình như thế nào, cần cải tiến ra sao thôi. Còn nếu người dân trồng sai quy trình làm cây chết thì cũng tại mình hướng dẫn không kỹ. Nói thiệt, nông dân cực lắm, đừng bắt họ nắm dao đằng lưỡi. Tôi đền 1.000 cây giống thì không sao cả nhưng người nông dân mất tiền mua giống là gần như trắng tay”.

Lặn lội hơn 100km từ huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), bà Nguyễn Thị Trang đến tận trại giống Trường Sơn ở TP Bảo Lộc để mua 1.000 cây giống. Xếp giống xong xuôi, Sơn mới dặn bà Trang: “Chị đừng làm cỏ vườn cà phê nghe, cứ để yên đó, nếu cỏ cao quá lưng thì cắt còn ngang đầu gối là vừa”. Bà Trang tròn mắt hỏi lại: “Giỡn hay thiệt đó chú, vườn phải sạch cỏ thì cây mới lớn chứ?”.

Sơn giải thích: “Trong cỏ có kẻ thù của những sinh vật có hại đối với cây cà phê. Làm sạch cỏ sẽ khiến những sinh vật có lợi đó không có chỗ ở. Sinh vật có hại được nước sẽ tấn công cây cà phê, chừng đó vừa tốn thuốc diệt cỏ vừa tốn thuốc trừ sâu bệnh lại hại sức khỏe mình”.

Thấy bà Trang chưa hiểu lắm, Sơn kéo tay bà Trang ra rẫy cà phê cùng cỏ bạt ngàn hơn 30ha của mình bảo: “Em thử bảy năm trời đó chị. Năng suất có giảm so với phun thuốc nhưng không đáng kể, so với công diệt cỏ thì ít hơn nhiều”. Sơn kết thúc câu chuyện với bà Trang bằng một câu hỏi: “Chị cố xem thử có mùi thuốc sâu xung quanh đây không?”.

Mỗi ngày Sơn tiếp chuyện với khoảng 20 người nông dân. Trong câu chuyện của mình, anh luôn nhắn rằng hãy gửi vào nghề nông một khát vọng đổi đời. “Chỉ khi đó nông dân mới dám nghĩ và làm một cách táo bạo và sáng tạo” – Sơn khẳng định.

Sơn cũng hay dẫn nhiều nông dân vào xem tủ kính của căn nhà giữa rẫy cà phê, nơi anh lưu cả trăm tấm thiệp mời tân gia của người ở gần có ở xa cũng nhiều, trong đó lắm cái tên là của người đồng bào K’Ho, Châu Mạ. Đó là những người từng mua hàng chục ngàn cây giống và nhờ anh đích thân hướng dẫn cách ghép ngay trên vườn của mình. Sơn bảo: “Nhà của họ không dưới 2 tỉ đâu, đều ở giữa rẫy cà phê”.

“Sơn đã đi trước”

Năm 2008, thạc sĩ Chế Thị Đa, trưởng bộ môn cây công nghiệp Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên, đến thăm vườn cà phê ghép của Sơn và bà đã bất ngờ. Bà cho rằng năm 1996 phương pháp ghép cải tạo giống cà phê mới được cơ quan chức năng công nhận và có hướng dẫn cụ thể nhưng Sơn đã tiến hành ghép cách đó bốn năm.

Nhắc lại câu chuyện này, bà dành lời khen cho sự mày mò sáng tạo của Sơn: “Thời đó, đối với nông dân, theo kịp công nghệ đã là hiếm, nhưng nông dân Quang Sơn đã đi trước được bốn năm, đó là điều đáng nể”. Bà nhấn mạnh: “Không loại giống nào là tối ưu, phải được tuyển lựa liên tục để kịp thích ứng với khí hậu luôn thay đổi nhưng quan trọng hơn là sự sáng tạo của nông dân. Điều đó khiến nông dân trở thành những người cấp tiến, chịu tiếp thu nhanh hơn cái mới để thay đổi cuộc đời mình và nền nông nghiệp”.

Bình luận